Giáo dục cảm xúc không chỉ cần thiết cho học sinh mà còn vô cùng quan trọng đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Khi giáo viên hiểu và quản lý được cảm xúc của mình, họ có thể đồng cảm và thấu hiểu học sinh một cách tốt hơn. Việc hiểu và biết cách chăm sóc cảm xúc bản thân giúp giáo viên duy trì năng lượng tích cực cũng như tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Vì sao giáo viên mầm non nên học cách kiểm soát và thấu hiểu cảm xúc bản thân?
Trẻ em mầm non đang trong giai đoạn phát triển nhạy cảm về mặt tâm lý, nơi cảm xúc đóng vai trò chủ đạo trong quá trình học hỏi và tương tác xã hội. Giáo viên, những người tương tác trực tiếp và thường xuyên nhất với trẻ, cần có khả năng hiểu và đồng cảm với cảm xúc của học sinh để có thể hướng dẫn và chăm sóc các em một cách tốt nhất. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi giáo viên phải có khả năng quản lý cảm xúc của chính mình. Việc giáo viên biết cách điều chỉnh và thấu hiểu cảm xúc bản thân giúp duy trì sự điềm tĩnh và kiên nhẫn trong các tình huống căng thẳng, từ đó xây dựng niềm tin và sự an toàn bên trong trẻ.
Hệ thống trường Pathway nói chung và khối mầm non nói riêng luôn dành sự quan tâm lớn trong việc kết nối và chia sẻ cùng đội ngũ giáo viên. Bằng cách thực hành các hoạt động nuôi dưỡng những “hạt giống lành”, thầy cô giáo Pathway có thêm nhiều chất liệu yêu thương chăm sóc đời sống tinh thần ở mỗi cá nhân.
Vậy làm thế nào giáo viên có thể ứng dụng giáo dục cảm xúc trong cuộc sống và công việc để có thể “hiểu và thương” các em học sinh của mình?
Việc người giáo viên học cách nhận biết và gọi tên cảm xúc của chính mình là một yếu tố quan trọng để có thể đồng cảm và thấu hiểu trẻ mầm non. Điều này giúp họ không để những cảm xúc tiêu cực chi phối các quyết định hoặc phản ứng của mình đối với trẻ. Chẳng hạn như trong những tình huống trẻ quấy khóc hoặc xung đột, giáo viên cần nhận ra sự căng thẳng hoặc mệt mỏi của bản thân, từ đó tìm cách điều chỉnh tâm trạng và giải quyết vấn đề một cách hợp lý hơn.
Để có thể giữ tâm lý ở trạng thái ổn định trong suốt quá trình làm việc, người giáo viên cũng cần thực hành một vài kỹ thuật quản lý cảm xúc đơn giản như thực tập quan sát cơ thể và hít thở sâu hoặc viết nhật ký cảm xúc như một cách giải bày những tâm tư khó chia sẻ. Những kỹ thuật này giúp giáo viên duy trì được sự bình tĩnh, đồng thời hạn chế phần nào sự bộc phát những cảm xúc tiêu cực khi đối mặt với nhiều áp lực khác nhau từ công việc.
Giáo viên mầm non ở Pathway School có rất nhiều cơ hội để thực hành việc lắng nghe và được lắng nghe một cách sâu sắc. Lắng nghe giúp giáo viên hiểu rõ cảm xúc của chính mình và của trẻ, từ đó phát triển sự đồng cảm và gia tăng mối quan hệ gắn kết giữa người lớn với trẻ nhỏ trong môi trường học tập. Trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, cũng như thoải mái bộc lộ cảm xúc bên trong một cách tự nhiên.
Giáo dục cảm xúc là một trong những cầu nối quan trọng giúp giáo viên hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của con trẻ. Bằng việc thực hành nhận diện, quản lý và lắng nghe cảm xúc của chính mình, giáo viên sẽ tạo ra một môi trường giáo dục tích cực, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả về cảm xúc lẫn kỹ năng xã hội.
——————–——————–
PATHWAY ACADEMY – NGÔI TRƯỜNG HẠNH PHÚC
🌻 Kiến tạo môi trường dạy – học hạnh phúc nhằm hoàn thiện nhân cách sống tử tế, phát triển năng lực tư duy và nghị lực vượt khó cho các thế hệ học trò dẫn đầu tương lai.
🌳 Kiến tạo không gian dạy – học chủ động, để từng bài học là từng trải nghiệm được đúc kết có giá trị thực tiễn cho học trò.
⚽ Phát huy năng lực tự học cho học trò bằng nhiều hình thức học tập chủ động, tối ưu cơ hội rèn luyện để hoàn thiện nhân cách sống tử tế và nghị lực vượt khó.
🏅 Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương biết mình hiểu người, luôn có ý thức và nỗ lực trau dồi Nhân cách – Tri thức – Nghị lực cho bản thân.